Cập nhật của Bộ Tài chính cho thấy, lũy kế 7 tháng đầu năm này, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 262.250 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 52,3% khối lượng phát hành có tài sản đảm bảo; lãi suất phát hành bình quân là 8,12%/năm, tăng 0,22% so với bình quân năm 2021; kỳ hạn phát hành bình quân là 3,64 năm, tăng 0,13 năm so với 2021.
Liên quan đến cơ cấu phát hành, Bộ Tài chính cho hay, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng phát hành lần lượt chiếm 33,58% và 9,41% tổng khối lượng phát hành toàn thị trường; các ngân hàng thương mại phát hành chiếm 33,6%; doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm 4,1%; doanh nghiệp sản xuất chiếm 8,7% tổng khối lượng phát hành toàn thị trường…
Để khắc phục những kẽ hở của hệ thống pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đang khẩn trương lấy ý kiến lần 2 các cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP |
Về cơ cấu nhà đầu tư sơ cấp, các ngân hàng thương mại mua lớn nhất, khi chiếm 46,45% tổng khối lượng phát hành; các công ty chứng khoán mua 22,73%; các tổ chức và cá nhân mua 27,3% tổng khối lượng phát hành.
Để khắc phục những kẽ hở của hệ thống pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dẫn đến những sai phạm bị phanh phui gần đây, Bộ Tài chính đang khẩn trương lấy ý kiến lần 2 các cơ quan liên quan đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, để trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất./.
TV